WHĐ (12.04.2015) – Chiều thứ Bảy 11-04-2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chính thức công bố Trọng sắc mở Năm Thánh đặc biệt, bắt đầu từ ngày 08 tháng Mười Hai 2015, gọi là Năm Thánh Lòng Thương xót.
Trọng sắc, tài liệu nền tảng của Năm Thánh, vạch ra tinh thần chính và các mục tiêu của Năm Thánh, cũng như những hoa trái thiêng liêng được mong đợi.
Đức ông Leonardo Sapienza, Chánh Văn phòng của Phủ Quản gia Giáo hoàng, đã tuyên đọc một số đoạn của Trọng sắc trong một nghi thức cử hành tại Cửa Thánh của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô.
Sau đó Đức Thánh Cha đã tiến vào Nhà thờ để chủ sự giờ Kinh chiều I Chúa nhật Lòng Chúa Thuơng xót.
Trọng sắc dài 28 trang, có nhan đề “Misericordiae Vultus” (Dung mạo Lòng Thương xót) mở đầu với lời tuyên xưng: “Chúa Giêsu là Dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha. Những lời này cũng có thể tóm lược mầu nhiệm đức tin Kitô giáo”.
Trong văn kiện này, Đức Thánh Cha nói rằng Năm Thánh nhằm giúp chúng ta “sống lòng thương xót trong cuộc sống hằng ngày”, lòng thương xót mà Thiên Chúa “không ngừng tuôn đổ trên tất cả chúng ta”.
Đức Thánh Cha cho biết Năm Thánh sẽ bắt đầu vào ngày 8 tháng Mười Hai, vừa để mừng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm vừa kỷ niệm 50 năm ngày bế mạc Công đồng Vatican II, một Công đồng đã kêu gọi Giáo hội loan báo Tin Mừng cho thế giới bằng những cách thức mới, đem lòng thương xót của Thiên Chúa đến cho tất cả mọi người.
Sau khi Cửa Thánh của Đền thờ Thánh Phêrô mở ra vào ngày 08-12, các Cửa Thánh của các Vương cung thánh đường giáo hoàng khác cũng sẽ được mở trong những ngày tiếp theo. Cũng vậy, như một dấu chỉ hiệp thông trong toàn Giáo hội, Đức Thánh Cha cũng chỉ thị cho mỗi giáo phận trên toàn thế giới mở một “Cửa Thương xót” tương tự để cử hành Năm Thánh Lòng Thương xót tại Giáo hội địa phương.
Trọng sắc Misericordiae Vultus gồm ba đề mục chính.
Trước hết, Đức Thánh Cha khai triển khái niệm thần học về lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài giải thích vai trò của lòng thương xót trong đời sống của con người và đời sống Giáo hội: cả hai vừa là người được ân hưởng vừa là chứng nhân lòng thương xót của Thiên Chúa trong thế giới.
“Lòng thương xót của Thiên Chúa không phải là một ý niệm trừu tượng, nhưng là một thực tại cụ thể qua đó Người mạc khải tình yêu của Người, như một người cha và một người mẹ yêu thương con cái mình từ tận đáy lòng”.
“Lòng thương xót là nền tảng của đời sống Giáo hội. Tính khả tín của Giáo hội được thể hiện trong cách thức Giáo hội bày tỏ tình yêu thương xót”.
Đức Thánh Cha nhắc lại rằng châm ngôn của Năm Thánh là “Thương xót như Chúa Cha”.
“Bất cứ nơi nào Giáo hội hiện diện, nơi ấy phải có lòng thương xót của Chúa Cha. Bất cứ nơi nào có người Kitô hữu, nơi ấy người ta sẽ tìm được một ốc đảo của lòng xót thương”.
Trong đề mục thứ hai, Đức Thánh Cha đưa ra những gợi ý thiết thực để sống Năm Thánh cách tốt đẹp: hành hương như một “động lực để hoán cải”; không phán xét hay lên án nhưng tha thứ và cho đi, không bép xép, đố kỵ và ghen ghét; có một trái tim rộng mở với những người ở bên lề xã hội và mang lại niềm an ủi, lòng thương xót và tình liên đới với những ai sống trong hoàn cảnh bấp bênh; thực hiện những nghĩa cử thương xót về vật chất và tinh thần với niềm vui; và hưởng ứng sáng kiến “24 giờ cho Chúa” - là chương trình kêu gọi cầu nguyện và lãnh nhận bí tích hoà giải ở mỗi giáo phận trong Mùa Chay.
Đức Thánh Cha cũng ngỏ lời với các vị giải tội, khích lệ các ngài hãy trở nên “dấu chỉ đích thực của lòng thương xót của Chúa Cha”. Và, trong Mùa Chay của Năm Thánh, Đức Thánh Cha nói rằng ngài sẽ sai đi “các nhà thừa sai của Lòng Thương xót” - đó là các linh mục được ngài ban cho “năng quyền tha cả những tội chỉ mình Toà Thánh được tha”. Các ngài sẽ là “dấu chỉ sống động của Thiên Chúa Cha luôn sẵn sàng đón nhận những ai đang tìm ơn Chúa tha thứ”.
Đề mục thứ ba, Đức Thánh Cha đặc biệt kêu gọi thực thi công lý và hoán cải. Ngài yêu cầu những ai tham gia các tổ chức tội ác và những kẻ tham nhũng hãy thay đổi đời sống và đến với lòng thương xót của Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha cũng nhận định rằng cả Do Thái giáo và Hồi giáo đều “xem lòng thương xót là một trong những phẩm tính quan trọng nhất của Thiên Chúa”. Và ngài bày tỏ “tin tưởng rằng Năm Thánh này ... sẽ thúc đẩy một cuộc gặp gỡ” với Do Thái giáo và Hồi giáo cũng như với các tôn giáo khác, để “chúng ta biết mở lòng ra đối thoại nhiệt thành hơn” hầu thêm hiểu biết và cảm thông, “loại trừ mọi hình thức khép kín đầu óc và thiếu tôn trọng, cũng như mọi hình thức bạo lực và phân biệt đối xử”.
Ngài cũng nhắc lại mối tương quan giữa công lý và lòng thương xót, là “hai chiều kích của một thực tại duy nhất, sẽ đạt đến chóp đỉnh nơi tình yêu viên mãn”.
“Thiên Chúa không loại bỏ công lý. Người bao trùm công lý và vượt lên công lý bằng một cử chỉ còn lớn hơn (là lòng thương xót), cho chúng ta cảm nghiệm được tình yêu là nền tảng của công lý đích thực”.
Kết thúc Trọng sắc, Đức Thánh Cha dâng lời khẩn cầu lên Mẹ Maria –là chứng nhân lòng thương xót của Thiên Chúa–, và thánh Faustina Kowalska, là người đã hiến dâng đời mình để loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa.
Sau phần trích đọc một số đoạn của Trọng sắc, Đức Thánh Cha đã trao một bản sao Trọng sắc này cho bốn vị Hồng y Tổng quản của bốn Đại Vương cung thánh đường ở Roma, cũng như cho các hồng y từ các châu lục, đại diện cho Giáo hội trên khắp thế giới.
Cũng như trong tất cả các Năm Thánh khác, trong Năm Thánh Lòng Thương xót, mọi tín hữu khi chu toàn các điều kiện thông thường (xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha) sẽ được hưởng ơn toàn xá.
Năm Thánh sẽ kết thúc vào ngày 20-11-2016, ngày lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ.
(Nguồn: WHĐ - Theo Vatican Radio)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét