VÔ THƯỜNG
Chuẩn bị đi ngủ, vào mạng có chút chuyện.
Thật bàng hoàng khi hay tin Cha Phanxicô Salêsiô Nguyễn Quốc Hoàng Chánh xứ Nhà thờ Bình Thuận, Hạt Bình An, Giáo phận Sài Gòn vừa qua đời.
Như một mối duyên, đôi lần được gặp Cha Phanxicô Salêsiô, chia sẻ với Cha. Bề ngoài, Cha trắng trẻo, sức khỏe tốt và là một người năng động. Cha đang dốc hết sức lực để xây dựng ngôi thành đường mới cho giáo xứ, thế nhưng Cha ra đi khi mọi việc còn dang dở.
Trước đó, buổi chiều, như thường lệ, tôi xem tin tức trên các trang mạng. Hãng tin AFP dẫn lời người phát ngôn Bộ Nội vụ Nepal Laxmi Prasad Dhakal ngày 26/4 cho biết số người thiệt mạng do động đất ở nước này hiện đã lên tới 2.263, ngoài ra còn có 5.838 người bị thương.
Động đất năm 2011 đã từng lưu ý từ năm 1255 đến nay, Tạp chí Slate dẫn đã cho biết điều này. Nepal đã từng hứng chịu chín động đất lớn, tức trung bình cứ mỗi 75 năm lại xảy ra một trận động đất lớn. Gần đây nhất là động đất năm 1934 mạnh 8,3 độ Richter phá hủy ba thành phố lớn trong thung lũng Kathmandu (Kathmandu, Patan và Bhaktapur). 10.000-20.000 người thiệt mạng, trong đó có hơn 8.500 người chết tại Kathmandu.
Tạp chí Time (Mỹ) ngày 3-2-2011 đã có bài viết dẫn lời các chuyên gia ghi nhận động đất mạnh như trận động đất năm 1934 nếu xảy ra ở Nepal có thể làm 100.000 người chết, 200.000 người bị thương và 50% trong 2,5 triệu dân ở Kathmandu phải sơ tán.
Năm 2005, báo The Economist(Anh) đã từng giải thích thủ đô Kathmandu nằm trong thung lũng vốn là lòng hồ cũ, do đó nếu có động đất sẽ dẫn đến rung chấn rất mạnh. Báo mô tả trong động đất năm 1934, mặt đất uốn lượn như sóng biển. Ngoài nguyên nhân tự nhiên, con người cũng góp phần khiến số thương vong trở nên nghiêm trọng.
Báo Le Monde (Pháp) ghi nhận không kể các nhà nghiên cứu, nhiều người dân ở Nepal đều biết rõ động đất lớn trước sau cũng xảy ra.
Dẫu biết rằng đời con người sinh lão bệnh tử khi con người bước chân vào cuộc đời này. Thế nhưng, có những cái chết để lại sự bàng hoàng, sự đau đớn.
Giật mình lại nhớ lời Thánh Vịnh 90:
“Ngàn năm Chúa kể là gì,
tựa hôm qua đã qua đi mất rồi,
khác nào một trống canh thôi!”(câu 4)
“Đời chúng con tàn tạ, kiếp sống thoảng qua, một tiếng thở dài.
Và, Thánh Vịnh 89 nhắc nhớ chúng ta :
Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục,
Mạnh giỏi chăng là được tám mươi,
Mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ,
Cuộc đời thấm thoát chúng con đã khuất rồi.
“Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống,
ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan.”
(Tv 89, 10)
Cuộc đời là như thế đó ! Mong manh, mỏng dòn và vô thường quá.
Những biến cố xảy ra quanh đời ta, ngay bên cạnh ta, những người thân thương nhất của ta cũng là những điều nhắc nhớ ta về mạng sống, về phận người.
Phận người là thế để rồi ngày mỗi ngày, ta cố gắng và xin với Chúa cho ta bớt đi cái phần con trong con người của ta để ta hành xử với nhau một cách có nhân, có nghĩa và có tình hơn. Để lỡ ngày sau khi ta không còn nhau nữa ta vẫn còn một chút gì đó gọi là tình ở lại với nhau.
Những biến cố như thế, nhắc nhớ con người ta “Từ buổi mai, xin cho đoàn con được no say tình Chúa, để ngày ngày được hớn hở vui ca.” (Tv 89, 14).
Xin cho mỗi người chúng ta luôn cảm nghiệm được tình Chúa luôn bao bọc suốt trên cuộc đời của ta để có khi nào đó Chúa chợt đến với đời ta ta vui vẻ, sẵn sàng ra đi theo tiếng gọi của Chúa.
Mic Thanh Châu
0 nhận xét:
Đăng nhận xét